UBND Huyện làm việc với Viện nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam, bàn giải pháp xây dựng Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Giao Thủy.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là phát huy lợi thế của huyện ven biển, có tiềm năng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng chí Doãn Quang Hùng – Chủ tịch UBND Huyện cùng các ngành liên quan có buổi làm việc với Viện nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam, bàn giải pháp xây dựng Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Giao Thủy. Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND Huyện Doãn Quang Hùng đã khái quát toàn cảnh về huyện Giao Thủy.
UBND Huyện làm việc với Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, bàn giải pháp
xây dựng Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Giao Thủy.
Giao Thủy là huyện ven biển, có diện tích tự nhiên hơn 238km2, dân số trên 233 nghìn người, có 3 tôn giáo đồng hành là Phật Giáo, Công giáo và Đạo Tin lành. Được thiên nhiên ưu đãi, huyện Giao Thủy có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Ngoài bãi biển khá nguyên sơ, có khu dự trữ sinh quyển thế giới tham gia Công ước Ramsar – Vườn quốc gia Xuân Thủy cùng nền văn hóa “mở đất” tiêu biểu của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng với hàng trăm di tích, công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc, cùng nhiều điểm du lịch như Bãi tắm biển Quất Lâm, Bảo tàng Đồng Quê; du lịch cộng đồng xã Giao Xuân, hàng năm thu hút hàng chục nghìn du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm và nghiên cứu khoa học.
Đại biểu Vườn Quốc gia Xuân Thủy phát biểu ý kiến.
Những năm trước đây, do đặc thù Giao Thủy là huyện cuối của tỉnh Nam Định dẫn đến không thu hút được các nhà đầu tư phát triển tại địa phương. Tuy nhiên, với mục tiêu đưa Giao Thủy trở thành cực phát triển đầu tiên của tỉnh, các Dự án của Trung ương, của tỉnh qua địa bàn từng bước được quan tâm đầu tư, như Dự án tuyến đường bộ ven biển, Dự án tuyến đường Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển được xây dựng, rút ngắn khoảng cách và thời gian từ thành phố Nam Định về huyện, tạo lợi thế thu hút các nhà đầu tư cũng như du khách tới đầu tư phát triển, tham quan, nghiên cứu.
Đoàn đại biểu Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam làm việc tại huyện.
Hiện nay, huyện mới có một Cụm công nghiệp Thịnh Lâm, do vậy, trong phát triển kinh tế, cùng với chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ có giá trị cao, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Tại thời điểm này, huyện đã quy hoạch 6 Khu công nghiệp với diện tích trên 2.400 ha và 13 CCN với diện tích gần 900 ha, một sân golf. Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Hải Long quy mô 1.100 ha đang được Tập đoàn VISIP khảo sát, nghiên cứu đầu tư. Tập đoàn FLAMIGO cũng đang triển khai các thủ tục nghiên cứu, đầu tư khu dịch vụ du lịch biển nghỉ dưỡng cao cấp Quất Lâm – Giao Phong với quy mô giai đoạn 1 trên 200 ha,… Về kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành cũng như đang được tích cực triển khai xây dựng với kinh phí trên 1 nghìn tỷ đồng.